Viễn thị là một loại tật khúc xạ, ít gặp ở trẻ nhỏ hơn so với cận thị nhưng lại gây ra các rối loạn chức năng thị giác nặng nề.
PHÂN LOẠI:
Ở trẻ nhỏ thường có 2 loại:
Viễn thị khúc xạ: do lực khúc xạ của giác mạc và thể thủy tinh thấp, trong khi chiều dài của trục nhãn cầu vẫn bình thường và thường gây viễn thị nhẹ.
Viễn thị trục: do trục nhãn cầu quá ngắn trong khi lực khúc xạ của giác mạc và thể thủy tinh vẫn bình thường.
Tuy nhiên vẫn có trường hợp do cả hai nguyên nhân trên.
TIẾN TRIỂN:
Bình thường, trẻ em mới sinh ra luôn luôn bị viễn thị và sẽ giảm dần khi trẻ ngày một lớn, đến 2-3 tuổi còn khoảng 3 độ. Nếu ở tuổi này, mắt trẻ không hoặc ít phát triển sẽ bị viễn thị. Viễn thị thường được phát hiện ở tuổi bắt đầu đi học.
BIỂU HIỆN:
Viễn thị khó phát hiện hơn cận thị nên cha mẹ phải chú ý nhận ra những bất thường trong sinh hoạt của trẻ để phát hiện sớm chứng viễn thị. Trẻ nhỏ thường dụi mắt, đỏ mắt và chảy nước mắt, có thể xuất hiện lác mắt (là một tật đi kèm với viễn thị, cũng có thể là một tật do viễn thị gây ra). Trẻ lớn hơn có thể kêu mắt nhức mỏi, nhìn mờ do mắt luôn phải điều tiết.
Vì mắt trẻ phải thường xuyên điều tiết quá độ, gây mất cân bằng giữa độ điều tiết và độ quy tụ nên mắt bị lác trong và trẻ chỉ còn nhìn với một mắt. Kết quả là mắt bị nhược thị .
Viễn thị đơn thuần không gây ra tổn thương thoái hóa ở đáy mắt, chỉ những trường hợp viễn thị do nhãn cầu kém phát triển, viễn thị đi kèm với các rối loạn cấu trúc nhãn cầu khác như ROP… thì mới có tổn thương đáy mắt.
Bệnh viễn thị rất nguy hiểm với trẻ
ĐIỀU TRỊ:
Trẻ bị viễn thị cần được khám khúc xạ sau khi làm liệt điều tiết để xác định chính xác độ viễn thị.
Phương pháp điều trị chủ yếu là đeo kính và nên đi kèm với chế độ luyện tập mắt tích cực nếu độ viễn thị cao hoặc nhược thị để làm giảm độ viễn thị, tăng cường thị lực. Trẻ cần được khuyến khích các hoạt động liên quan đến thị giác như vẽ tranh, tô màu, đọc truyện… Với những trẻ bị nhược thị thì cần chế độ luyện tập tích cực hơn như bịt mắt lành tập mắt nhược thị, hoặc tập trên các hệ thống máy kích thích hoàng điểm, máy tập thị giác 2 mắt… Phổ biến nhất hiện nay là máy Synophtophore, máy kích thích hoàng điểm. Ngay cả khi đã điều trị được nhược thị cũng cần tập luyện duy trì để tránh nhược thị tái phát.
Bên cạnh đó, trẻ cần được điều trị chứng lác mắt (nếu có). Theo các chuyên gia, trẻ cần được theo dõi ít nhất 6 tháng một lần để điều chỉnh kính cho phù hợp với sự tiến triển của viễn thị.
Liên hệ với choban247.com